Công tác xã hội là hoạt động mang tính chuyên nghiệp ở nhiều quốc gia trên thế giới từ gần thế kỷ nay. Tính chuyên nghiệp của công tác xã hội được thể hiện rất rõ trong huy động nguồn lực, tiềm năng của mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng vào giải quyết các vấn đề lao động, việc làm và đặc biệt là các vấn đề an sinh xã hội.
Tại Việt Nam, ngày 25/3/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 32/2010/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2020, chính thức công nhận công tác xã hội là một nghề. Đề án đã đánh dấu một mốc quan trọng, thể hiện sự cần thiết của nghề công tác xã hội, tạo môi trường thuận lợi để nghề công tác xã hội phát triển tại các cấp, góp phần xây dựng hệ thống an sinh xã hội.
Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Hiệu trưởng trường Đại học Lao động, Xã hội Doãn Mậu Diệp cho biết, những biến đổi nhanh chóng về kinh tế xã hội đã khiến xuất hiện nhiều đối tượng mới cần sự tư vấn và trợ giúp xã hội như nhóm di cư từ nông thôn ra đô thị, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, người thất nghiệp, người khuyết tật… Mỗi nhóm đối tượng cần được hỗ trợ đặc biệt phù hợp với đặc trưng riêng nên rất cần đội ngũ cán bộ làm công tác xã hội chuyên nghiệp.
Chủ đề của ngày Công tác xã hội thế giới năm này là Công tác xã hội vì hạnh phúc của mọi người đã đề cao vai trò của nghề trong việc thực thi các chính sách xã hội, giúp đỡ và khai thác tiềm năng của những người yếu thế để họ vươn lên cả về vật chất lẫn tinh thần.
Lễ mít-tinh kỷ niệm ngày Công tác xã hội thế giới lần thứ 14 tại Việt Nam đã thu hút sự tham gia của gần 1.000 người là lãnh đạo các Bộ, ngành, các tổ chức trong nước và quốc tế hoạt động trong lĩnh vực công tác xã hội và sinh viên các trường có các ngành nghề liên quan đến công tác xã hội. Hàng trăm sản phẩm của các em học sinh khuyết tật, trẻ em bị nhiễm chất độc da cam cũng được trưng bày.
Lễ kỷ niệm cũng đánh dấu sự ra đời của Chi hội nghề Công tác xã hội thuộc Hội Dạy nghề Việt Nam.
Theo: baochinhphu.vn